Ông chủ Hoa Sen: ‘Hơn 20 năm đi đòi nợ, giờ cũng phải lên núi nghỉ’
Tại ĐHCĐ thường niên 2019, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen, chia sẻ thẳng thắn về chuyện kinh doanh của doanh nghiệp cũng như quyết định lên núi ở ẩn của mình.
Sáng 14/1 Tập đoàn Hoa Sen HSG+0.0% (HSG) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên để thông qua tình hình kinh doanh niên độ cũ cũng như lên kế hoạch cho niên độ mới. Xuất hiện tại cuộc họp ĐHĐCĐ năm nay, Chủ tịch HSG, ông Lê Phước Vũ, nhận định thị trường năm 2019-2020 sẽ còn nhiều phức tạp đến từ các yếu tố bên ngoài như chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Khi nhiều người thắc mắc về quyết định lên núi ở ẩn, ông chủ HSG chia sẻ: “Chủ tịch hai mấy năm nay đã đi công trình, đi đòi nợ… cũng phải cho chủ tịch nghỉ chứ, nếu không thì chết sao”.
Trong giai đoạn “đổ bê tông”
Lý giải tình hình kinh doanh sụt giảm trong thời gian qua, ông Lê Phước Vũ cho rằng những quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump từ tháng 3 năm ngoái đã khiến hệ thống cung ứng trên toàn cầu bị đảo lộn và Hoa Sen cũng chỉ là hạt cát nhỏ trong hiện tượng thiên nga đen. Tuy nhiên, nhận định được khó khăn, công ty đã nhanh chóng giảm hàng tồn kho và nợ vay, dư nợ vay đã giảm từ 16.000 tỷ đồng về khoảng 12.000 tỷ đồng như hiện nay.
Dù vậy, khó khăn từ thách thức toàn cầu khiến kế hoạch của doanh nghiệp không hoàn thành. Bên cạnh lợi nhuận thấp hơn kế hoạch, mục tiêu mở 700 cửa hàng chỉ mới thực hiện được 600.
Ông Vũ cho rằng để tạo dựng được vị thế vững chắc và sống sót qua giai đoạn khó khăn này, Hoa Sen phải có ít nhất 1.000 cửa hàng. Nhưng năm 2018, tập đoàn đã không thể mở thêm 100 cửa hàng do những động thái của ông Trump, khiến ban lãnh đạo phải dừng ngay việc đầu tư để quản lý hàng tồn kho.
Nói thêm về chiến lược phát triển, vị Chủ tịch cho rằng Hoa Sen đã có 15 năm thừa thắng xông lên, đá đâu thắng đó, nhưng với chu kỳ giảm này, HSG phải tập chơi “đổ bê tông”. 50% lợi nhuận HSG đến từ đầu cơ nguyên liệu, và sẽ tiếp tục như vậy.
Nói về chủ trương hoạt động thời gian tới, người đứng đầu doanh nghiệp cho biết sẽ gom tất cả chi nhánh về còn một chi nhánh/tỉnh. Đơn cử Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen đang dần bán lại các cửa hàng cho HSG với giá theo cơ chế thị trường. Nguyên tắc kinh doanh trong thị trường không có chuyện nhiều thương hiệu cùng hoạt động.
Nhìn lại quá trình điều hành thời gian qua, ông cho rằng những quyết định của HĐQT HSG từ tháng 3/2018 đến giờ là hoàn toàn đúng đắn, chính xác và có trách nhiệm. Công ty đã áp dụng hệ thống ERP thành công giúp tinh gọn bộ máy, giảm nhân viên từ 9.300 về còn 7.000 người.
“Kế hoạch năm 2019 đặt sự an toàn, thận trọng lên trên hết. Đây là giai đoạn phòng thủ. HĐQT đã thận trọng và đi theo hướng đó, không đầu cơ nguyên liệu như trước nữa mà chỉ giữ tồn kho ở mức 70-80% nhu cầu trong tháng, bảo đảm dòng tiền, sản xuất liên tục, bảo đảm khấu hao.”, ông Vũ khẳng định.
“Chờ dự án Cà Ná được cấp phép, tôi sẽ xuất chiêu”
Nói về siêu dự án Cà Ná, Chủ tịch Lê Phước Vũ cho biết dự án dừng cũng tốt, vì nếu giờ làm Cà Ná thì bản thân phải đứng công trình… còn không làm thì ông có thời gian sống trên núi, an vui với tâm an trí sáng. Tuy nhiên, ông Vũ khẳng định dù sống trên núi vẫn nắm tình hình tập đoàn.
“Tôi làm chủ tịch hai mấy năm nay đã đi công trình, đi đòi nợ… cũng phải cho chủ tịch nghỉ chứ, nếu không thì chết sao”, ông nói về quyết định về miền núi Bảo Lộc để điều hành từ xa.
Dù vậy, ông Vũ lại khẳng định rằng: “Khi nào Cà Ná được cấp phép, tôi xuất chiêu cho quý vị coi”.
Còn về dự án Tháp Hoa Sen của Công ty Hoa Sen Quy Nhơn, Phó chủ tịch Trần Ngọc Chu cho biết dự án này vướng vấn đề đất nền phải đấu thầu nên tỉnh đã có quyết định dừng và thu hồi dự án. HSG vẫn chưa rót nhiều vốn, khoảng 10 tỷ đồng cho công tác nghiên cứu, tìm hiểu.
HSG đã đồng ý cho tỉnh thu hồi để thanh tra làm việc. Thời gian tới, tỉnh cho biết sẽ đấu giá lô đất và các chi phí HSG đã bỏ ra sẽ được hoàn trả.
Ông Vũ nói thêm chưa chắc bỏ, cũng chưa chắc lấy, cái nào lợi nhất HSG sẽ chọn. Nói cách khác, nếu dự án tiếp tục, HSG sẽ tùy thuộc vào khả năng tài chính, nếu có thể hợp tác để cùng phát triển sau này.
Trong niên độ 2017-2018, thị trường thép diễn biến thất thường đẩy chi phí giá vốn tăng cao, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt khiến HSG sụt giảm mạnh lợi nhuận kinh doanh. Dư nợ vay cao chiếm gần 70% vốn với hơn 14.000 tỷ đồng(tính tới cuối niên độ 1/7/2017 – 30/9/2018), cùng gánh nặng hàng tồn kho cũng là yếu tố bào mòn lãi của doanh nghiệp này.
Đó là lý do khiến HSG chỉ ghi nhận khoản lợi nhuận 410 tỷ đồng trong năm 2018, giảm 69% so với năm trước đó và là mức thấp nhất trong 4 năm qua. Riêng trong quý IV, công ty ghi nhận khoản lỗ hơn 100 tỷ đồng.
Trả lời cổ đông về ước tính kết quả kinh doanh trong quý I niên độ mới, lãnh đạo Hoa Sen cho biết sản lượng ghi nhận khoảng 428.000 tấn, doanh thu 2.600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước hơn 60 tỷ đồng.
Về vấn đề cổ tức, Phó chủ tịch Trần Ngọc Chu cho biết mức chi trả 10% trên vốn điều lệ được xem là hợp lý với mức lãi 409 tỷ đồng niên độ trước. Ngoài ra, công ty cũng phải giữ lại nguồn tiền mặt cho nhu cầu vốn lưu động và khắc phục việc mất cân đối.
Kế hoạch lãi 2019 được ban lãnh đạo cho biết là thận trọng và hợp lý. Tuy nhiên kế hoạch này chỉ được xây dựng trên các yếu tố cơ bản, chưa tính đến các yếu tố bất thường như bán đất. Còn việc áp thuế tại châu Âu là áp thuế chung cho các nước và thị trường này rất lớn khi HSG vẫn xuất 300.000 tấn. Thị trường Malaysia vừa áp thuế đối với kẽm, tuy nhiên mức thuế của HSG là 0% và đây ngược lại là tin có lợi cho doanh nghiệp.
Do đó, HĐQT HSG cũng trình ĐHCĐ mục tiêu doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 31.500 tỷ đồng và 500 tỷ đồng cho niên độ tài chính mới.
Nói về giá cổ phiếu, ông Vũ cho rằng các lãnh đạo Hoa Sen mua vào cổ phiếu cho thấy sự tin tưởng doanh nghiệp sẽ vượt qua sóng gió. Kỳ vọng giá cổ phiếu tăng 4-5 lần là không thể nhưng thời điểm hiện nay là mua được giá rẻ nhất. Trên thị trường, cổ phiếu HSG tạm dừng giao dịch phiên sáng nay (14/1) đã bật tăng gần 2% lên 6.820 đồng/cổ phiếu.
Nguồn: https://news.zing.vn/ong-chu-hoa-sen-hon-20-nam-di-doi-no-gio-cung-phai-len-nui-nghi-post908712.html